Muốn khởi sự thành công, việc đầu tiên của doanh nghiệp là phải lập kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh cho mình. Nếu không có một kế hoạch tốt thì dù ý tưởng có lớn lao đến đâu cũng chắc chắn sẽ gặp thất bại.
Tại sao phải lập kế hoạch kinh doanh?
Kế hoạch kinh doanh (sales business plan) là tài liệu mô tả một cách tổng quan những ý tưởng, quá trình hành động và các chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp ứng với một khoảng thời gian nhất định trong tương lai. Lập kế hoạch kinh doanh là việc tạo ra các bản kế hoạch để xác định hướng đi. Người lên kế hoạch thường là giám đốc điều hành, giám đốc marketing hoặc những vị trí liên quan. Có nhiều loại kế hoạch khác nhau, tuy nhiên tất cả đều hướng đến một mục tiêu là đưa ra đường đi nước bước đẫn dắt hoạt động của doanh nghiệp.
Một bản kế hoạch kinh doanh bao gồm: Định hướng; mục tiêu; phân tích thị trường; các chiến lược quản lý; kế hoạch marketing và bán hàng.
Phải lên kế hoạch kinh doanh vì các lý do sau:
– Kiểm tra tính khả thi của ý tưởng và xác định mục tiêu kinh doanh: Giúp chủ doanh nghiệp đánh giá các ý tưởng có thể thực hiện được ngay từ lúc bắt đầu hay không? Nếu thực hiện được thì mục tiêu của ý tưởng sẽ là gì? Từ đó, vạch ra được con đường để hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
– Điều tiết, quản lý và vận hành doanh nghiệp: Bản kế hoạch là kim chỉ nam cho mọi hành động. Nhờ nó mà doanh ngiệp có thể tối ưu hóa và quản lý các nguồn lực theo định hướng chung.
– Đánh giá cơ hội phát triển: Phân tích các điểm mạnh, yếu, các cơ hội và thách thức sẽ là một phần quan trọng của bản kế hoạch. Từ đó, doanh nghiệp có thể cải thiện năng lực cạnh tranh và xác định hướng đi phù hợp nhất cho mình.
– Thu hút nguồn vốn đầu tư: Việc hoạch định chi tiết dự án chắc chắn sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư hơn là một dự án mù mờ, không có kế hoạch rõ ràng.Thông qua các mục tiêu và bước đi doanh nghiệp đề ra trong bản kế hoạch, nhà đầu tư sẽ đánh giá các khả năng và đưa ra quyết định đầu tư hay không.
Các nội dung cần thiết cho việc lập kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh
Một bản kế hoạch kinh doanh được coi là hoàn thiện nếu thể hiện được đầy đủ các yếu tố sau:
1.Ý tưởng kinh doanh: Là khởi sự của mọi kế hoạch kinh doanh. Nhưng chỉ có ý tưởng là chưa đủ mà cần phải xem xét tính khả thi bằng việc đưa ra các kế hoạch thực hiện cụ thể hơn.
2. Đặt ra mục tiêu kinh doanh và mục tiêu thành quả: Đó là những điều mà ý tưởng kinh doanh cần đạt được. Những mục tiêu này còn phải mang tính cụ thể, thực tế, thông minh và có thể đo lường. Hơn nữa, cần có khả năng đạt được trong một thời gian nhất định.
3. Phân tích thị trường: bản kế hoạch cần phải chỉ rõ những điểm mạnh yếu của các đối thủ kinh doanh cùng ngành, nắm được khách hàng của họ cũng như xu hướng thị trường trong tương lai.
4. Phân tích các thế mạnh và thế yếu của doanh nghiệp để tìm ra cơ hội và những nguy cơ.
5. Xác lập mô hình tổ chức kinh doanh: Doanh nghiệp cần lựa chọn cho mình một trong những loại hình như tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phẩn hoặc hợp doanh…Qua đó, nắm được những hạn chế và lợi thế của từng loại hình để đưa ra quyết định đăng kí kinh doanh theo loại hình nào.
6. Lên kế hoạch marketing: Lấy khách hàng làm trung tâm, mục tiêu và điểm chốt cuối cùng của hoạt động marketing. Xác định chiến lược marketing phù hợp nhằm thu hút khách hàng biết đến và sử dụng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần phân loại, chọn khách hàng mục tiêu và định vị thương hiệu trong tâm trí của người mua.
7. Lập kế hoạch hoạt động: Dựa vào các văn bản pháp lý để điều chỉnh kinh doanh. Tập trung vào các hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp như nhân sự, thiết bị, quy trình…
8. Kế hoạch quản lý nhân sự: Kiểm soát vận hành công việc kinh doanh cho đội ngũ nhân sự. Có sự phân công công việc, mức độ quyền hạn rõ ràng. Thường xuyên tổ chức các cuộc họp để đánh giá tình hình hoạt động chung. Nếu có thể, cần đào tạo về con người nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn.
9. Kế hoạch tài chính: Xác định rõ nguồn tài chính để triển khai kế hoạch kinh doanh. Lên kế hoạch để quản trị dòng tiền một cách nghiêm túc. Sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tránh sự lãng phí dẫn đến thất bại dù đó có là kế hoạch khả thi đi chăng nữa.10. Kế hoạch thực hiện: Các hoạt động cần được liệt kê chi tiết, sắp xếp thứ tự ưu tiên. Đặt mục tiêu và đo lường mức độ thành công cho từng công việc để đưa ra giải pháp nếu kết quả thu về không như dự kiến.
Lập kế hoạch kinh doanh cũng chỉ mang tính chất tương đối. Trong quá trình triển khai, cần có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế để đạt được mục tiêu đã đề ra.