Trải qua rất nhiều thăng trầm của thương trường với rất nhiều sự thay đổi trong cách thức kinh doanh, marketing vẫn luôn giữ cho mình một vị trí đặc biệt quan trọng với tất cả các doanh nghiệp quy mô lớn nhỏ khác nhau. Các chiến lược marketing cạnh tranh của doanh nghiệp luôn là mối quan tâm hàng đầu nhưng chúng cũng không hề dễ để áp dụng một cách phù hợp. Bởi chúng bị chi phối bởi nhiều áp lực, yếu tố khác nhau, trong đó có đối thủ cạnh tranh.
Các chiến lược marketing cạnh tranh của doanh nghiệp
Việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh quan trọng như thế nào?
Người ta thường nói “biết người biết ta trăm trận trăm thắng” và điều đó luôn đúng trong mọi trường hợp, đặc biệt đối với kinh doanh. Doanh nghiệp hiểu được khách hàng thì có thể tiến xa, hiểu được đối thủ thì còn có thể tiến nhanh hơn nữa, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu như thế này.
Các chiến lược marketing sinh ra sau một quá trình nắm bắt nhu cầu, tâm lý của các khách hàng tiềm năng và đáp ứng làm sao để nổi bật hơn đối thủ. Vì vậy các chiến lược marketing nếu chỉ chú ý tới khách hàng thì sẽ khó chịu được áp lực của các đối thủ khác đang có chung mục tiêu. Có xác định kĩ đối thủ thì dấu ấn mà các nhà quản trị marketing đang cố xây dựng ở khách hàng mới có thể khắc sâu và vượt trội hơn đối thủ.
Bối cảnh cạnh tranh toàn cầu buộc các doanh nghiệp phải hiểu rõ về đối thủ
Đối thủ có mục tiêu là gì?
Doanh nghiệp không chỉ cần biết về các loại đối thủ, mà còn phải hiểu rằng họ đang tìm điều gì ở thị trường, điều gì đang chi phối từng đường đi nước bước của đối thủ.
Điều đầu tiên mà mọi doanh nghiệp đều nhắm tới là tăng lợi nhuận hết sức có thể. Bên cạnh đó, tất nhiên mỗi đối thủ đều có các mục tiêu riêng và có sự ưu tiên riêng. Một số đó là khả năng sinh lãi, phát triển thị phần, lưu lượng tiền mặt và vị trí dẫn đầu,…
Những điều ấy giúp chúng ta biết được liệu đối thủ có đang hài lòng hay sẽ tiếp tục có những bước đi khác và dự đoán phản ứng của họ khi bị nhắm đến. Từ đó, các chiến lược marketing cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được xây dựng sao cho phù hợp hơn.
Nhìn được mục tiêu sẽ giúp xác định hành động trong tương lai của đối thủ
Xem xét điểm mạnh, yếu của đối thủ
Các nguồn lợi và khả năng cạnh tranh quyết định phần nhiều vào sự khả thi và tỉ lệ thành công của các chiến lược. Điều đó đã chứng minh cho sự cần thiết của việc đánh giá điểm mạnh, yếu của các đối thủ.
Để có sự đánh giá đúng đắn, doanh nghiệp cần thu thập các dữ liệu về tình trạng của đối thủ, bao gồm lợi nhuận, tỷ trọng thị trường, lượng tiền mặt,.. Những thông tin này sẽ ảnh hưởng đến quyết định tấn công của doanh nghiệp. Cách thông thường để thu thập được thông tin là nhờ vào kinh nghiệm, dư luận và các dữ liệu thứ cấp. Ngoài ra để tăng cường, có thể nghiên cứu trực tiếp khách hàng và đại lý.
Dự đoán đối thủ sẽ phản ứng như thế nào?
Doanh nghiệp khi hiểu về các dự định của đối thủ sẽ đoán được các hành vi tiếp theo của đối thủ – thứ rất có lợi cho bên mình. Có một số kiểu phản ứng sau.
- Điềm tĩnh: Không phản ứng lại các nước đi của đối thủ một cách gay gắt, nhanh chóng. Có nhiều lý do dẫn tới điều này, hoặc có ý đồ riêng, hoặc không đủ sức để chống trả.
- Chọn lọc: Chỉ phản ứng với một số hành động nhất định. Doanh nghiệp có thể lợi dụng điều này để tấn công khả thi hơn.
- Phản ứng mạnh mẽ: Có sự phản ứng nhanh nhạy và rất mạnh mẽ với mọi hành động cạnh tranh trong tầm ngắm của mình. Họ sẽ thực hiện phòng thủ đến cùng như một lời cảnh báo các đối thủ khác tốt nhất không nên tấn công.
- Khôn ngoan: Không phản ứng một cách lộ liễu và có thể đoán được. Thậm chí có thể sẽ không trả thù lại bất cứ hành động nào. Vì thế loại đối thủ cạnh tranh này rất khó đoán và đối phó.
Trên đây chỉ là số ít những điều quan trọng cần phải biết khi áp dụng các chiến lược marketing cạnh tranh của doanh nghiệp. Vẫn còn rất nhiều bài học khác sẽ được tích lũy dần bằng kinh nghiệm cá nhân và sự nghiên cứu kỹ càng. Chúng đều rất quan trọng và đáng ghi nhớ với bất kì doanh nghiệp nào.