Dịch vụ là một trong những ngành chủ chốt của nền kinh tế. Đi kèm với một nền kinh tế phát triển là sự hoàn thiện của chất lượng dịch vụ. Những nhà kinh doanh trong ngành này luôn tìm cách để thu hút khách và tối đa hóa lợi nhuận. Vì vậy, việc xác định và tìm ra một chiến lược giá cho dịch vụ luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu.
Xây dựng chiến lược giá cho dịch vụ dựa trên cơ sở nào?
Các loại hình kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, du lịch, nghỉ dưỡng, ngân hàng, phần mềm, y tế, giáo dục… rất đa dạng và hầu như bao trùm toàn bộ nền kinh tế. Mỗi loại hình lại mang trong mình đặc trưng riêng. Kinh doanh ngành dịch vụ cũng cần đến các chiến lược marketing hoặc các hình thức quảng bá khác nhau. Trong đó, việc xây dựng chiến lược giá cho dịch vụ cũng quan trọng không kém các khâu khác.
Kinh doanh dịch vụ cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp, công ty đang buôn bán một sản phẩm vô hình. Khách hàng không thể trực tiếp sở hữu hay được tận mắt nhìn thấy sản phẩm mà họ đang sử dụng. Dịch vụ được hiểu là một chuỗi các hành động của bên bán cung cấp cho bên mua nhằm đem lại lợi ích, sự hài lòng và thỏa mãn cho khách hàng. Như vậy, hiểu một cách đơn giản là khách hàng bỏ ra một khoản tiền để mua về lợi ích. Nhiệm vụ của người cung cấp dịch vụ là đáp ứng nhu cầu lợi ích đó một cách tốt nhất.
Ngành dịch vụ có những đặc tính hoàn toàn khác biệt với những ngành khác như tính vô hình, không đồng nhất, khó kiểm soát chất lượng…Vì vậy, xây dựng chiến lược giá cho một hình thức dịch vụ không giống hoàn toàn với chiến lược giá sử dụng cho sản phẩm. Người lãnh đạo cần dựa trên mô hình phối thức tiếp thị dịch vụ (Marketing 7P) để có thể xây dựng một chiến lược về giá cả phù hợp nhất cho lĩnh vực kinh doanh của mình.
Chiến lược giá cho dịch vụ – một trong những yếu tố của mô hình marketing 7P
Mô hình marketing 7P là một chiến lược marketing được xây dựng cho các doanh nghiệp kinh doanh ngành dịch vụ. Vẫn dựa trên mô hình phối thức tiếp thị cho sản phẩm nhưng được mở rộng và thêm vào 3 yếu tố để phù hợp với đặc điểm riêng của lĩnh vực đặc trưng này. 7P bao gồm: Product (sản phẩm); Price (giá cả); Place (địa điểm); Promotion (truyền thông); People (con người); Process (quy trình); Physical (môi trường dịch vụ). Có thể thấy, giá cả là 1 trong 7 yếu tố quan trọng của mô hình marketing 7P. Xây dựng chiến lược giá cho dịch vụ như thế nào còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp.
Giá cả là yếu tố tiên quyết mang lại doanh thu, lợi nhuận cho người làm dịch vụ. Vì đây chính là chi phí mà khách hàng phải bỏ ra để nhận về sự hài lòng từ chất lượng phục vụ. Đối với ngành dịch vụ, cách định giá ảnh hưởng lớn đến mức độ thỏa mãn của khách hàng. Thông thường, giá cao sẽ dễ dàng mang lại tâm lý hài lòng cho khách hàng vì đa số mọi người đều suy nghĩ “tiền nào của nấy”. Xác định tệp khách hàng cũng là cách để xây dựng chiến lược giá. Với những khách hàng vip thì chất lượng là điều họ quan tâm chứ không phải giá cả. Những khách hàng tầm trung thì ngược lại, giá cả sẽ được đặt lên hàng đầu và thậm chí đem ra so sánh.
Việc định giá theo mùa cũng là một trong những chiến lược giá dài hạn cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Những mùa cao điểm, các ngành dịch vụ thường tận thu được lợi nhuận vì đưa ra mức giá cao hơn nhiều so với mùa thấp điểm. Khoảng thời gian giữa mùa cao điểm và mùa thấp điểm, phí dịch vụ thường được giữ ở tầm trung hoặc cao nhất.
Chiến lược giá luôn là một trong những khía cạnh quan trọng của mọi hình thức marketing trong kinh doanh. Đây là một yếu tố cần được nghiên cứu một cách thận trọng. Để có thể vận dụng tốt chiến lược giá cho dịch vụ một cách dài hạn, cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu về thị trường. Dựa vào nhu cầu, sở thích của khách hàng từ đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra mức giá phù hợp cho từng đối tượng sử dụng dịch vụ.
>> Chiến lược giá của Vinamilk để duy trì vị thế đầu ngành
>> Bật mí cách bán hàng giá cao mà vẫn thu hút được khách hàng