Các chỉ số tài chính là yếu tố quan trọng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Những chỉ số này không chỉ giúp các nhà đầu tư đưa ra những quyết định sáng suốt mà còn giúp nhà quản trị doanh nghiệp có cái nhìn đúng đắn về tình hình tài chính. Từ đó, có sự điều chỉnh hoạt động đi đúng hướng để hoàn thành các mục tiêu chung.
Các chỉ số tài chính là gì? Ý nghĩa của chỉ số tài chính?
Muốn hiểu được ý nghĩa của chỉ số tài chính, cần biết chỉ số tài chính là gì?
Chỉ số tài chính được hiểu là các mối quan hệ được xác định từ thông tin tài chính của công ty. Các chỉ số tài chính này thể hiện trên báo cáo tài chính và được sử dụng cho mục đích so sánh. Nhờ theo dõi chúng, chủ doanh nghiệp có thể dễ dàng quản lý hệ thống tài chính doanh nghiệp của mình để có những thay đổi phù hợp trong cách thức hoạt động nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh.
Chỉ số tài chính giúp nhận định tình trạng của doanh nghiệp
Vậy, chỉ số tài chính có ý nghĩa như thế nào?
— Chỉ số tài chính dễ tính toán và sử dụng. Đó là công cụ căn bản giúp các nhà đầu tư và chủ nợ phân tích được tình trạng tài chính thực tế của một công ty, nhận biết tình hình tài chính của doanh nghiệp đó đang đi lên hay đi xuống. Qua đó, xem xét các khả năng thanh toán công nợ và chi trả cổ tức trước khi đưa ra các quyết định đầu tư. Ngoài ra còn giúp chủ doanh nghiệp có thể dự đoán và đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn cho doanh nghiệp của mình.
— Tách riêng các con số được thể hiện trên báo cáo tài chính thì mỗi con số đều rất có ý nghĩa. Do vậy, khi phân tích bản báo cáo tài chính, nhà phân tích cần có sự so sánh giữa các số liệu với nhau nhằm mục đích:
- So sánh các chỉ số qua từng thời kì để đánh giá xu hướng phát triển.
- So sánh giữa các doanh nghiệp khác cùng ngành hoặc mức trung bình ngành nhằm phân tích các điểm mạnh, yếu khác nhau.
- Dự báo tương lai của doanh nghiệp.
— Cần tính toán và phân tích chỉ số tài chính một cách thường xuyên vì chúng thường biến động theo thời gian và chỉ có thể phản ánh hình ảnh của doanh nghiệp tại một thời điểm xác định khi cơ sở số liệu đã có đầy đủ.
Các loại chỉ số tài chính cơ bản
Có 4 loại chỉ số tài chính quan trọng mà nhà quản trị doanh nghiệp cần nắm được đó là chỉ số hoạt động, chỉ số thanh toán, chỉ số rủi ro và chỉ số tăng trưởng tiềm năng.
1. Chỉ số hoạt động:
Đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình hoạt động chung của doanh nghiệp. Có hai loại chỉ số hoạt động là:
- Lợi nhuận hoạt động: Cho thấy khả năng sinh lợi một cách tổng thể của công ty/ doanh nghiệp.
- Hiệu quả hoạt động: Cho thấy khả năng sử dụng tài sản để sinh lời. Bao gồm các vòng quay tổng tài sản và các loại tài sản cố định, vòng quay của vốn cổ phần.
2. Chỉ số thanh toán :
Nhóm chỉ số thanh toán liên quan đến tiền mặt và các loại tài sản khác. Thể hiện khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính của công ty. Các công ty cần chuẩn bị sẵn các điều kiện vật chất cần thiết để thanh toán hóa đơn đúng hạn kể cả khi đó là doanh nghiệp nhỏ mới thành lập và khả năng thanh khoản không cao.
Chỉ số thanh toán thể hiện khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp
Chỉ số thanh toán bao gồm:
– Chỉ số thanh toán hiện tại
– Chỉ số thanh toán nhanh
– Chỉ số tiền mặt trên tổng tài khoản
– Chỉ số vòng quay các khoản phải thu
– Số ngày bình quân vòng quay các khoản phải thu
– Chỉ số chi phí bán hàng trên các khoản phải trả
– Chỉ số vòng quay tiền mặt, dòng tiền.
3. Chỉ số rủi ro:
Thể hiện sự thay đổi thu nhập kinh doanh trên thực tế. Các chỉ số rủi ro thường gặp của doanh nghiệp là rủi ro kinh doanh (Sự không ổn định về thu nhập thể hiện qua các con số trên báo cáo tài chính) và rủi ro tài chính (liên quan đến cấu trúc tài chính trong doanh nghiệp.)
4. Chỉ số tăng trưởng tiềm năng
Chỉ số tăng trưởng thể hiện khả năng phát triển và giá trị của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai. Chỉ cần nhìn vào các chỉ số tài chính này, nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp sẽ định giá được công ty, khả năng thanh toán các khoản nợ hiện hành và dự đoán các khoản nợ tăng thêm nếu có. Các yếu tố liên quan đến chỉ số trung bình ngành, tổng thể bối cảnh chung của nền kinh tế …sẽ giúp cho việc phân tích chỉ số tăng trưởng tiềm năng trở nên chính xác và hiệu quả nhất.
Chỉ số tăng trưởng giúp dự đoán các tiềm năng của doanh nghiệp
Việc tính toán các chỉ số tài chính thường mang rất nhiều ý nghĩa. Mặc dù chỉ số tài chính có nhiều ưu điểm, nhưng các nhà quản lý cũng cần tiếp cận các chỉ số này một cách thận trọng. Vì chỉ dựa vào một mình yếu tố này thì nhà quản trị cũng không thể đưa ra toàn bộ các thông tin cần thiết cho quyết định kinh doanh.