Những chiến lược cạnh tranh là thứ mà doanh nghiệp nào cũng cần phải trang bị. Qua nhiều giai đoạn phát triển, các chiến lược cạnh tranh ngày càng chuyên nghiệp, phức tạp hơn để đối phó với thương trường đầy gay gắt. Nhưng về căn bản, có những chiến lược mà doanh nghiệp đều sử dụng và dựa trên nền đó để xây lên cao hơn. Đó là các chiến lược cạnh tranh tổng quát – nền tảng cho thành công của doanh nghiệp.
Các chiến lược cạnh tranh tổng quát
Doanh nghiệp có thể lựa chọn 3 chiến lược cạnh tranh tổng quát mà Porter – giáo sư của trường đại học Harvard đưa ra. Những chiến lược này có thể được đẩy cao hơn trong nhiều giai đoạn.
Chiến lược tạo ra chi phí thấp
Công ty theo đuổi chiến lược này sẽ có lợi thế cạnh tranh là tổng chi phí của sản phẩm thấp. Doanh nghiệp cần có nhiều chính sách để duy trì được chi phí đó nhưng không bán phá giá.
Đặc điểm
- Sử dụng công nghệ và quản lý để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
- Thường được áp dụng bởi các doanh nghiệp có thị trường rộng.
- Áp dụng được với các thị trường đặc thù.
- Không chú trọng vào khác biệt hóa sản phẩm và nghiên cứu những thứ mới mẻ
- Hướng tới nhóm khách hàng tầm trung.
Chiến lược khác biệt hóa sản phẩm
Giống như cái tên, sự khác biệt, độc đáo của doanh nghiệp là điều chiến lược này hướng tới. Sự khác biệt này được tạo ra từ nhiều nhân tố như hình ảnh thương hiệu, hệ thống phân phối, tính năng, độ bền, của sản phẩm và sự thỏa mãn nhu cầu của khách hàng một cách độc nhất.
Đặc điểm
- Chỉ cạnh tranh với các đối thủ có đẳng cấp tương đương.
- Hạn chế cạnh tranh giá cả, có thể định giá cao.
- Công nghệ chính là lợi thế.
- Phân chia thành nhiều phân khúc thị trường.
Đây là chiến lược duy nhất trong các chiến lược cạnh tranh tổng quát có thể giải quyết được 5 áp lực cạnh tranh nếu áp dụng tốt. Vì thế, nhiều doanh nghiệp rất chú trọng chiến lược này.
Chiến lược tập trung
Khi áp dụng chiến lược này, doanh nghiệp chỉ cần tập trung phục vụ tốt một mục tiêu. Đó có thể là một nhóm khách hàng, một phân khúc sản phẩm, phân khúc thị trường, vị trí cụ thể,..
Có 2 cách đi mà doanh nghiệp có thể theo
- Trọng tâm hóa sản phẩm- khách hàng: xây dựng sản phẩm dựa trên một nhóm khách hàng.
- Trọng tâm hóa khách hàng- sản phẩm: Khách hàng sẽ nhìn vào sản phẩm như một tượng đài.
Đặc điểm
- Có thể áp dụng đồng thời chiến lược chi phí hoặc khác biệt hóa.
- Tập trung phục vụ 1 mục tiêu.
- Rủi ro khi áp dụng
- Quá phụ thuộc vào mục tiêu.
- Bị đe dọa bởi sự thay đổi thị hiếu khách hàng.
- Doanh nghiệp khác có lợi thế khi sử dụng 2 chiến lược còn lại trên thị trường rộng hơn.
Làm sao để doanh nghiệp lựa chọn chiến lược phù hợp?
Để có thể biết mình nên áp dụng chiến lược cạnh tranh tổng quát nào cho phù hợp thì doanh nghiệp cần phải phân tích cụ thể. Theo Michael Porter, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, áp lực từ 5 yếu tố cạnh tranh trong ngành mà doanh nghiệp cần thực hiện phân tích. Những áp lực cạnh tranh đó là:
Đối thủ mới tiềm ẩn: Nguy cơ các đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện được đánh giá bằng cách phân tích những rào chắn gia nhập ngành. Những yếu tố như hiệu quả kinh tế dựa trên quy mô, khách hàng trung thành và vốn đầu tư sẽ thể hiện mức độ khó dễ cho những đối thủ mới gia nhập ngành.
Sự đe dọa của sản phẩm thay thế: Mức độ nguy hiểm của sản phẩm thay thế được định ra bởi các yếu tố: giá so sánh giữa 2 sản phẩm, sự trung thành của người tiêu dùng.
Khả năng ép giá của nhà cung cấp: Khả năng này bị mức độ tập trung của nhà cung cấp và sự có sẵn của các yếu tố thay thế đầu vào ảnh hưởng.
Khả năng ép giá của người mua: Một số yếu tố tác động đến khả năng ép giá cao hay thấp của người mua là số lượng người mua trên thị trường, thông tin họ có và sản phẩm thay thế.
Đối thủ cạnh tranh trong ngành hiện nay: Sự cạnh tranh giữa các đối thủ có gay gắt hay không phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng của ngành, sự thay đổi nhu cầu và sự khác biệt giữa các sản phẩm.
Các doanh nghiệp có thể sử dụng các chiến lược cạnh tranh tổng quát để xây nên những chiến lược lớn hơn của riêng mình nhằm đối phó tốt hơn với các doanh nghiệp khác. Nắm rõ bản chất sẽ giúp các doanh nghiệp áp dụng chiến lược linh hoạt hơn.