Nhân sự nghỉ việc – nhảy việc là một bài toán không hề mới trong các doanh nghiệp. Việc biến động về mặt nhân sự đã gây ra không ít khó khăn và cản trở cho các hoạt động của công ty/ doanh nghiệp vì phải đưa ra phương án bù đắp những thiếu hụt. Nhà quản lý cần nắm được cách tính tỷ lệ nghỉ việc để có thể đưa ra những giải pháp khắc phục về lâu dài.
Cách tính tỷ lệ nghỉ việc
* Tỷ lệ nghỉ việc (Turnover rate) hay tỷ lệ thôi việc hoặc tỷ lệ nhảy việc được hiểu là tỷ lệ nhân viên nghỉ việc trong một khoảng thời gian. Tỷ lệ này không chỉ phản ánh mức độ ổn định – lòng trung thành của nhân sự đối với doanh nghiệp/công ty mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí, lợi nhuận, kết quả kinh doanh của tổ chức. Nếu tỷ lệ thôi việc cao hơn so với các tiêu chuẩn của ngành, kế hoạch nhân lực cần được xem xét, đánh giá và đưa ra các biện pháp khắc phục lỗ hổng về nhân sự để không ảnh hưởng đến hoạt động chung.
* Cách tính tỷ lệ nghỉ việc như thế nào?
Tỷ lệ nghỉ việc thường được tính theo tháng/ quý/ năm
– Cách tính tỉ lệ nghỉ việc hàng tháng: Cần nắm được các số liệu như tổng số nhân viên đầu tháng; số nhân viên mới được thêm vào tháng đó. Cuối cùng, xác định số nhân viên rời khỏi công ty (số lượng nghỉ việc) bằng công thức:
Tỷ lệ nghỉ việc = Số lượng nghỉ việc/Số Nhân sự Trung bình * 100
Ví dụ: Công ty XYZ có 100 nhân viên tính đến ngày 03 tháng 04 năm 2019. Trong tháng đó, số lượng nhân sự biến động như sau:
Số lượng nhân viên nghỉ việc: 20 người
Số lượng nhân viên mới: 25 người
=> Tỷ lệ nghỉ việc được tính như sau:
Số lượng nhân sự trung bình = (100+125)/2 = 112.5
Tỷ lệ nhân nghỉ việc tháng = 20/112.5 * 100 = 17 %.
– Tính tỷ lệ nghỉ việc hàng quý: Được tính theo công thức tương tự như tỷ lệ nghỉ việc tháng với dữ liệu nhân sự trong quý.
– Tính tỷ lệ nghỉ việc hàng năm: Dựa trên công thức trên, nhưng cần nắm được nhân sự trung bình trong các quý để tính ra nhân sự trung bình năm và tỷ lệ nghỉ việc.
Các con số thống kê tỉ lệ nghỉ việc nói lên điều gì?
Tỷ lệ nghỉ việc phản ánh tình trạng hiện tại của công ty và những vấn đề trong chính sách, quản lý của doanh nghiệp. DR. John Sullivan đã phân chia thành tỉ lệ này thành các mốc:
– < 3%: Là tỷ lệ chấp nhận được và dường như mọi thứ đều ổn.
– 3 – 5%: Tỷ lệ này chưa đến mức đáng lo ngại. Nhà quản trị cần xem lại lỗi ở hệ thống lương hoặc cấp trên.
– 5 – 8%: Thể hiện doanh nghiệp đang gặp một số vấn đề. Ngoài những nguyên nhân chính như cấp trên, lương thưởng thì cơ hội phát triển và thăng tiến cũng cần được xem xét lại.
– 8 – 10%: Là tỷ lệ nghỉ việc đáng lo ngại. Tổ chức có thể gặp các trục trặc về môi trường văn hóa doanh nghiệp và cần xem xét lại tất cả các vấn đề từ hoạt động nhân sự, truyền thông nội bộ, lương thưởng, cơ hội phát triển cá nhân.
– >10%: Bên cạnh những yếu tố đã nêu trên thì có thể nguyên do lớn khác như xu hướng nhảy việc toàn ngành và cần xem xét lại toàn bộ tổng thể.
Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ nghỉ việc – nhảy việc khá cao. Tỷ lệ nghỉ việc năm 2019 đã lên đến mức 24%, cao nhất so trong vòng 4 năm trước. Đây là điều đáng lo ngại và các doanh nghiệp Việt cần phải tìm cách khắc phục nếu muốn ổn định về mặt tổ chức.
Các giải pháp giảm tỷ lệ nghỉ việc
• Tuyển dụng thông minh: Đây là cách giải quyết tỷ lệ nghỉ việc hiệu quả. Thiết kế những câu hỏi phỏng vấn phù hợp, giới thiệu về sứ mệnh và văn hóa công ty là điều mỗi doanh nghiệp nên làm để người ứng tuyển tự nhận định về mình trong tương quan với môi trường doanh nghiệp. Một nhân viên có năng lực sẽ luôn muốn biết những kỹ năng mình sở hữu có phù hợp với doanh nghiệp hay không.
• Lợi ích cạnh tranh và chế độ đãi ngộ: Nếu như đã nhiều năm doanh nghiệp chưa tăng lương cho nhân viên thì hãy xem xét đến vấn đề này. Đây là yếu tố khiến những nhân viên giỏi gắn bó với doanh nghiệp khi mức lương thưởng và chính sách đãi ngộ tương xứng với tâm huyết mà họ đã bỏ ra.
• Linh hoạt thời gian làm việc: Quản lý chứ không kiểm soát quá chặt chẽ thời gian làm việc. Nếu có thể, hãy cho phép nhân viên tự sắp xếp thời gian, miễn là đảm bảo hiệu suất làm việc và hoàn thành khối lượng công việc được giao.
• Kết nối tình bạn giữa các nhân viên: Hãy biến môi trường văn phòng, công sở không chỉ đơn thuần là nơi làm việc mà còn trở thành nơi để mọi người gặp gỡ, tương tác và trò chuyện. Khi nhân viên cảm thấy vui vẻ và được sống trong môi trường đoàn kết lành mạnh, họ sẽ gắn bó lâu dài với tổ chức, doanh nghiệp.
Dù cho doanh nghiệp đang cung cấp sản phẩm hay dịch vụ nào thì việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nguồn nhân lực cho hoạt động của doanh nghiệp cũng là việc làm cần thiết. Nắm được cách tính tỷ lệ nghỉ việc sẽ giúp nhà quản trị có thể hiểu rõ về tình hình nhân sự chung. Từ đó đưa ra giải pháp bù đắp hoặc khắc phục nguyên nhân nghỉ việc của nhân viên nhằm ổn định cơ cấu doanh nghiệp.