Dù là doanh nghiệp đang phát triển hay doanh nghiệp mới bắt đầu đi vào hoạt động thì cũng cần phải có biện pháp quản trị dòng tiền hiệu quả. Đặc biệt, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc kiểm soát dòng tiền trở thành một trong những yếu tố then chốt quyết định đến sự tồn tại của tổ chức.
Vấn đề dòng tiền quyết định đến sự tồn tại của doanh nghiệp
Tại sao doanh nghiệp phải có biện pháp quản trị dòng tiền hiệu quả
Trên thực tế, có không ít những trường hợp doanh nghiệp kinh doanh có lãi, nhưng vẫn không thể tiếp tục các hoạt động của mình do thiếu hụt về lượng tiền mặt. Vì vậy, chủ doanh nghiệp cần nhận thức được rõ tầm quan trọng của việc kiểm soát dòng tiền. Vậy, tại sao phải có biện pháp quản trị dòng tiền hiệu quả?
* Thứ nhất, kiểm soát dòng tiền hiệu quả giúp đảm bảo kịp thời nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất:
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thường nảy sinh các nhu cầu về nguồn vốn ngắn hạn hoặc dài hạn nhằm đảm bảo cho việc đầu tư phát triển của mình. Quản trị dòng tiền đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các nhu cầu cần thiết về vốn tại từng thời điểm kinh doanh khác nhau. Chỉ khi kiểm soát tốt dòng tiền, doanh nghiệp mới có thể lên kế hoạch đáp ứng các nhu cầu vốn cho hoạt động của doanh nghiệp. Ngày nay, có rất nhiều hình thức huy động vốn từ bên ngoài. Do vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn và duy trì chi phí huy động vốn ở mức thấp, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch và có biện pháp quản trị dòng tiền tốt nhất.
* Thứ hai, quản trị dòng tiền là cách để sử dụng vốn tiết kiệm và hiệu quả:
Trên cơ sở phân tích khả năng sinh lời và những rủi ro từ các dự án mang lại, doanh nghiệp có thể đưa ra sự lựa chọn đúng đắn nhờ quản trị dòng tiền. Hiệu quả hoạt động phụ thuộc phần lớn vào việc tổ chức sử dụng vốn và nắm bắt cơ hội kinh doanh. Vì vậy, kiểm soát dòng tiền là hoạt động tiên quyết để việc tổ chức sử dụng phân bổ nguồn vốn, lên kế hoạch kinh doanh cho đơn vị trở nên hiệu quả, tiết kiệm và hợp lý.
Quản tị dòng tiền để sử dụng vốn hiệu quả
* Thứ 3, giám sát kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp:
Thông qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ, đánh giá các chỉ tiêu tài chính như nguồn thu- chi, nhà quản trị có thể đánh giá khái quát về năng lực của dòng tiền và đưa ra nhận định chính xác về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Quản trị dòng tiền cũng giúp doanh nghiệp có thể so sánh, đối chiếu các chỉ số về dòng tiền với mặt bằng chung của ngành. Đồng thời nắm bắt được những vướng mắc của việc sử dụng dòng tiền trong kinh doanh và kịp thời đưa ra các phương án khắc phục phù hợp với thực tế.
Lập kế hoạch dòng tiền- một trong những biện pháp quản trị dòng tiền hiệu quả
Lập kế hoạch dòng tiền ( Cash flow planning) là một trong những biện pháp để kiểm soát dòng tiền ra – vào, cân bằng thu – chi phát sinh trong một thời kì nhất định ở tương lai. Dưới đây là các bước lập kế hoạch dòng tiền:
Bước 1: Dự báo dòng tiền vào
Dòng tiền vào được chia thành 3 loại:
– Dòng tiền vào từ hoạt động kinh doanh: Nhận được từ hoạt động tạo ra doanh thu của doanh nghiệp như bán hàng, dịch vụ khách hàng, tiền thu hồi công nợ của khách…
– Dòng tiền vào từ hoạt động đầu tư: Gồm tiền lãi đầu tư vào các đơn vị khác, tiền nhượng- bán- thanh lý tài sản, các loại tiền thu hồi…
– Dòng tiền vào từ hoạt động đầu tư tài chính: là các khoản tiền do chủ sở hữu góp vốn, tiền huy động từ việc vay vốn, phát hành cổ phiếu. Dựa trên khả năng vay nợ và các chiến lược phát hành chứng khoán để dự báo dòng tiền này.
Bước 2: Dự báo dòng tiền ra:
Là tất cả các khoản chi tiêu cho những hoạt động cần đến tiền mặt của doanh nghiệp trong một thời kì.
Dự đoán dòng tiền ra để có thể cân bằng mức chi tiêu
Dòng tiền này cũng gồm 3 loại :
– Dòng tiền ra từ hoạt động kinh doanh (trả tiền nguyên vật liệu, tiền lương cho nhân viên; thực hiện nghĩa vụ tài chính…).
– Dòng tiền ra từ hoạt động đầu tư: mua sắm tài sản cố định, góp vốn vào đơn vị khác…
– Dòng tiền ra từ hoạt động tài chính: Trả nợ gốc đã vay; lãi trả cho các nhà đầu tư vốn; tiền mua lại cổ phiếu đã phát hành…
Bước 3: Tính dòng tiền thuần
Dòng tiền thuần ꞊ chênh lệch dòng tiền vào và dòng tiền ra trong cùng kì
Bước 4: Xác định tiền dư cuối kì và số tiền thừa hoặc thiếu:
Dựa vào số tiền tồn đầu kỳ để xác định số tiền cuối kì.
Số tiền tồn cuối kì = Số tiền tồn đầu kì + Dòng tiền thuần trong kì
Từ đó đối chiếu với số dư tiền cần thiết, xác định số vốn bằng tiền dư thừa hay thiếu hụt bằng chênh lệch giữa các số tiền cuối kì với số dư tiền cần thiết.
Bước 5: Đề xuất các giải pháp phù hợp để xử lý số tiền thừa hoặc thiếu:
• Trong trường hợp thiếu vốn: Cân bằng dòng tiền bằng cách vay thêm vốn, thắt chặt thu hồi công nợ, giảm tối đa các khoản chi tiêu dùng đến tiền mặt…
• Trong trường hợp dư thừa vốn: Sử dụng vốn dư thừa vào mục đích đầu tư để sinh lời.
Tuân thủ các nguyên tắc và lập kế hoạch dòng tiền là những biện pháp quản trị dòng tiền hiệu quả. Nhà quản trị cần giải quyết tốt các vấn đề này để đảm bảo đầy đủ nguồn vốn cho quá trình kinh doanh sản xuất và tối ưu hóa các hoạt động khác.