Khái niệm về cơ chế khoán và hình thức giao khoán đã không còn xa lạ trong các doanh nghiệp. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn có hệ thống nhân viên chủ động làm việc nhằm đạt năng suất và hiệu quả. Và áp dụng cơ chế khoán tại doanh nghiệp là giái pháp tối ưu cho vấn đề trên.
Lương khoán – sự thể hiện của cơ chế khoán tại doanh nghiệp
Cơ chế khoán tại doanh nghiệp được hiểu là một hình thức giao quyền hạn, nhiệm vụ để xác định mức độ chịu trách nhiệm của mỗi nhân viên. Giao khoán khuyến khích tính năng động sáng tạo trong công việc. Thông qua các tiêu chí như khối lượng công việc, thời gian hoàn thiện, kết quả…mà nhân viên được hưởng các lợi ích vật chất.
Lương khoán là hình thức trả lương khi người lao động hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu và chất lượng đã được bàn giao.
Công thức tính lương khoán:
Lương = Mức lương khoán x Tỷ lệ (%) hoàn thành công việc
Các loại hình dịch vụ như du lịch, ẩm thực, khách sạn, nhà hàng… đang có xu hướng áp dụng hình thức trả lương này. Vào mùa cao điểm, số lượng khách hàng tăng cao khiến các ngành này không đủ nhân lực cung ứng. Việc tuyển một số lượng lớn nhân sự hợp tác lâu dài sẽ gặp nhiều khó khăn và gây ra sự tốn kém trong việc chi trả ngân sách vào mùa thấp điểm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đã lựa chọn việc thuê nhân viên làm bán thời gian theo nhu cầu để giải quyết vấn đề nhân sự. Hình thức trả lương khoán được áp dụng vì đem lại khá nhiều lợi ích cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp như: Tiện lợi, nhanh chóng, dễ tính toán, công bằng vì dựa trên tỉ lệ hoàn thành công việc….
Trong quá trình áp dụng hình thức lương khoán, chủ doanh nghiệp cần xác lập đơn giá khoán phù hợp và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Ở mỗi mức hoàn thành công việc khác nhau sẽ có tỷ lệ khoán khác nhau và kèm lợi ích để khuyến khích. Do mang tính chất thời vụ nên hình thức này và hợp đồng giao khoán không đóng bảo hiểm xã hội và không mang tính lâu dài.
Lương khoán và lương cố định đều có những ưu điểm riêng. Doanh nghiệp có thể cùng một lúc kết hợp cả hai hình thức trả lương để khuyến khích người lao động tăng hiệu suất làm việc.
Ưu và nhược điểm của một số mô hình cơ chế khoán tại doanh nghiệp
1. Khoán nội quy:
Thường xuất hiện trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
– Ưu điểm: Nhân viên chủ động về giờ giấc. Đi làm đúng thời gian quy định, thái độ với công việc tốt và nghe lời cấp trên. Ban lãnh đạo sẽ có hệ thống nhân viên tuân thủ tuyệt đối các quy định và sự chỉ đạo chung.
– Nhược điểm: Nhân viên thụ động, không có sự linh hoạt sáng tạo trong công việc. Điều này dẫn đến hiệu suất và kết quả làm việc không cao, doanh nghiệp hoạt động ì ạch, trì trệ.
2. Khoán khối lượng công việc
Doanh nghiệp thường khoán dưới nhiều hình thức như: số lượng cuộc gọi, số lần hẹn khách, số cửa hàng phải đi trong một ngày….để có thể được tính công.
– Ưu điểm: Nhân viên có trách nhiệm, chăm chỉ để hoàn thành khối lượng công việc được giao khoán.
– Nhược điểm: Nhân viên chỉ làm với mục đích đủ chỉ tiêu mà không quan tâm đến chất lượng, kết quả công việc.
3. Khoán hiệu quả:
Dễ dàng nhận thấy ở doanh nghiệp kinh doanh, nhất là đội ngũ bán hàng thường được giao khoán mức doanh thu phải đạt được.
– Ưu điểm: Nhân viên sẽ tập trung vào việc bán hàng để mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
– Nhược điểm: Nhân viên thường đi làm trong tình trạng bị áp lực về doanh số nên không quan tâm đến chi phí, công nợ tăng gây ra tình trạng thua lỗ. Điều này khiến chủ doanh nghiệp phải xử lý gấp đôi lượng việc để kiểm soát chi phí và công nợ. Ngoài các mô hình trên, doanh nghiệp còn có thể kết hợp nhiều hình thức khoán như khoán khối lượng và hiệu quả, khoán hiệu quả và chi phí…Nhưng khi áp dụng cơ chế khoán tại doanh nghiệp, nhà lãnh đạo cần phân tích những ưu điểm và nhược điểm nhằm tìm kiếm hình thức khoán phù hợp với tình hình doanh nghiệp nhất.