Cạnh tranh là xu hướng tất yếu của một nền kinh tế nhiều biến động. Để đạt được những thành công nhất định trong kinh doanh, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu nhiều yếu tố như thị trường, đối thủ, thị hiếu tiêu dùng chung… Áp dụng các chiến lược marketing cạnh tranh cho doanh nghiệp là một giải pháp tốt để tăng năng lực cạnh tranh.
Tìm hiểu các chiến lược marketing cạnh tranh cho doanh nghiệp
Muốn hiểu được các chiến lược marketing cạnh tranh, cần nắm rõ về khái niệm chiến lược cạnh tranh.
Chiến lược cạnh tranh là gì? Đó là bản kế hoạch dài hạn được doanh nghiệp vạch ra để tìm ra các hướng đi, giải pháp phù hợp, đúng đắn nhằm mục đích vượt lên đối thủ cạnh tranh. Bản kế hoạch này được xây dựng sau khi doanh nghiệp phân tích, tìm ra các điểm mạnh yếu của mình so với đối thủ. Có thể coi chiến lược cạnh tranh như một vũ khí sắc bén, là công cụ giúp tổ chức xác định cho mình được vị thế cạnh tranh tối ưu.
Các loại đối thủ cạnh tranh trong marketing bao gồm: Đối thủ cạnh tranh trực tiếp; đối thủ gián tiếp; đối thủ tiềm năng.
- Đối thủ cạnh tranh trực tiếp: Là những đối thủ có năng lực cạnh tranh trên cùng một phân khúc do kinh doanh chung một dòng sản phẩm với cùng một giá bán và cùng một phân khúc khách hàng.
- Đối thủ gián tiếp (sản phẩm thay thế): Cung cấp các dòng sản phẩm/dịch vụ khác, nhưng lại cùng giải quyết một nhu cầu của khách hàng, thậm chí có thể làm thay đổi nhu cầu sử dụng của khách hàng. Khách hàng có thể sử dụng các sản phẩm này khi không có sản phẩm của doanh nghiệp. Đây cũng là những đối thủ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn. Ví dụ rõ ràng nhất chính là sự ra đời của dịch vụ xe công nghệ như Grab, Uber, Goviet,…đã làm thay đổi nhu cầu về taxi truyền thống.
- Đối thủ tiềm năng (đối thủ tiềm ẩn): đối thủ này tuy chưa gia nhập vào lĩnh vực kinh doanh, nhưng có khả năng gia nhập trong tương lai và cạnh tranh về khách hàng, giá cả, sản phẩm…
Phân tích kĩ 3 loại đối thủ này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được cho mình chiến lược cạnh tranh đúng đắn và phù hợp nhất.
>> Đọc thêm: Chiến lược Marketing của Bibica – Thương hiệu bánh kẹo phủ sóng cả nước
Chiến lược marketing theo vị thế cạnh tranh
Vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp được đánh giá thông qua các tiêu chuẩn như thị phần của doanh nghiệp trên thị trường, mức độ được ưa chuộng của sản phẩm, nguồn lực và các điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp đó.
Dựa vào những yếu tố này, có thể xây dựng chiến lược marketing theo vị thế cạnh tranh với chiều hướng từ cao xuống thấp để lựa chọn các chiến lược thích hợp.
Doanh nghiệp dẫn đầu thị trường: Nắm giữ khoảng 40% thị phần và đi đầu trong việc cung cấp các sản phẩm. Những doanh nghiệp này phát triển theo 2 hướng là mở rộng thị trường và chiếm được thị phần của đối thủ. Các chiến lược đưa ra thường để đối phó với nước đi của đối thủ và sự thay đổi của nhu cầu khách hàng như đối đầu, sáng tạo, tăng thị phần hay hạ thấp ngành thường được họ áp dụng triệt để và mang lại hiệu quả trong cạnh tranh.
Doanh nghiệp thách thức thị trường: Là những doanh nghiệp đang trên đà phát triển để giành vị thế dẫn đầu bằng những sản phẩm mới, giành thị phần…Các chiến lược mà doanh nghiệp dẫn đầu thị trường nên áp dụng là cải thiện những điểm yếu có ở sản phẩm của đối thủ, tạo ra các sản phẩm mới có mức giá khiêm tốn hơn, tích cực đẩy mạnh quảng cáo và khuyến mại, đồng thời củng cố hệ thống các nhà phân phối của mình…Cần chú ý cân nhắc chọn mục tiêu chiến lược, phương thức tấn công phù hợp…để hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất.
Doanh nghiệp theo đuổi thị trường: Thường hợp tác hòa bình chứ không cạnh tranh với những người dẫn đầu. Mục tiêu mà các doanh nghiệp này đưa ra là bảo vệ và mở rộng thị phần của mình một cách an toàn. Các cách đi mà họ chọn lựa thường nhằm mục đích có lợi cho cả đôi bên hoặc doanh nghiệp đi sau sẽ được hưởng lợi và chắc chắn doanh nghiệp đi đầu sẽ không làm. Đây là những cách đi để các doanh nghiệp theo đuổi thị trường giữ thị phần nhỏ bé của mình.
Doanh nghiệp lấp chỗ trống thị trường: Đa phần là những doanh nghiệp mới. Hướng đi thích hợp cho kiểu doanh nghiệp này là chuyên môn hóa tạo ra sự ổn định và nền tảng cho sự phát triển. Lựa chọn của họ là những nhóm khách hàng nhỏ, sẵn sàng chi tiền hơn trung bình do nhu cầu ít được cung cấp. Khi đã thống lĩnh thị trường nhỏ này, họ sẽ áp dụng các chiến lược của người đi tiên phong để khẳng định vị trí của mình.
Những người làm marketing cần nắm rõ các vấn đề của đối thủ cạnh tranh. Từ đó xây dựng các chiến lược marketing cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu áp dụng đúng lúc và kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có những bước phát triển nhảy vọt, đồng thời giành được chiến thắng trong cuộc đua giành thị phần, xây dựng thương hiệu lớn mạnh.
>> Các chiến lược cạnh tranh về giá hiệu quả trong kinh doanh
>> Hoạch định chiến lược cạnh tranh trong thời kỳ kinh tế hội nhập