Quản lý dòng tiền tại sao được các doanh nghiệp chú trọng đến vậy? Đơn giản là bởi vì nếu không quản lý tốt dòng tiền doanh nghiệp rất dễ dẫn tới tình trạng phá sản. Biện pháp quản trị dòng tiền hiệu quả là gì? Bài viết dưới đây là 4 bước phải thực hiện khi đưa ra biện pháp quản trị dòng tiền.
Bước 1: Tính toán, dự đoán lên kế hoạch sử dụng dòng tiền
Một kế hoạch dòng tiền chính xác sẽ có thể báo động một cách tốt nhất những vấn đề sắp xảy ra. Vì vậy, bạn cần phải lên kế hoạch để thực hiện mục tiêu tài chính cho các tuần, các tháng, các quý và thậm chí là cả các năm tiếp theo.
Việc lập kế hoạch dòng tiền này không phải là cái nhìn lướt qua trong tương lai. Nhà quản trị cần phải đọc, thu thập dữ liệu từ các báo cáo tài chính của bộ phận tài chính để nắm rõ được các khoản nợ của khách hàng, lịch sử thanh toán của khách hàng, chi phí cho dịch vụ hay các nguồn có thể thu khác.
Từ sự tìm hiểu, phân tích đó mà dự đoán tương đối chính xác những chi phí sắp tới và khả năng yêu cầu thanh toán của nhà cung cấp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần cẩn trọng với những giả thiết như các khoản thu có thể tới chậm hơn so với mọi khi cũng như các khoản phải trả không được kéo dài thời gian như trong quá khứ nữa.
Bước 2: Cải thiện những khoản phải thu
Để không gặp vấn đề về dòng tiền, công ty nên cải thiện dòng tiền bằng các khoản thu thông qua việc kiểm soát các khoản nợ của khách hàng, Cải thiện tốc độ đưa vật liệu, nguyên liệu vào sản xuất, cải thiện tốc độ bán hàng, tốc độ thu tiền. Dưới đây là những ví dụ để bạn cải thiện những khoản thu của mình.
- Yêu cầu khách hàng trả trước một phần tiền khi đặt hàng.
- Thanh lý hàng tồn kho bằng mọi cách.
- Đưa ra những chính sách giảm giá khi thanh toán hóa đơn một cách nhanh chóng.
- Kiểm tra tín dụng của khách hàng mới mà không thanh toán bằng tiền mặt.
- Phát hành hóa đơn kịp thời và đốc thúc thanh toán đối với những khách hàng chậm trễ.
- Theo dõi dòng tiền của các đối tượng khách hàng nợ để phát hiện và tránh những khoản nợ tồn đọng.
Bước 3: Quản lý những khoản phải trả
Đừng để vấn đề doanh thu tăng làm mờ mắt bạn. Bạn phải xem xét những khoản chi phí của công ty một cách thận trọng. Khi bạn nhận thấy những khoản chi vượt quá mức những khoản thu vào bạn cần phải kiểm tra kỹ những khoản chi phí để cắt giảm, kiểm soát nó tốt hơn. Hãy tham khảo một số cách quản lý các khoản phải chi sau:
- Lợi dụng triệt để những điều khoản mua chịu.
- Cân nhắc kỹ lưỡng việc thanh toán sớm để hưởng những chế độ ưu đãi.
- Đàm phán với các nhà cung cấp. Nếu công ty cần trì hoãn thanh toán thì cần có sự tin tưởng, thông cảm của bên cung cấp.
Bước 4: Vượt qua sự thâm hụt ngân sách
Đây là bước cuối cùng khi đưa ra biện pháp quản trị dòng tiền. Bất kỳ một công ty nào, sớm hay muộn cũng sẽ gặp vấn đề về thanh toán. Đó là vấn đề rất bình thường nhưng nếu nhà quản trị không biết cách vượt qua những khoản thâm hụt đó thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rắc rối để rồi dẫn tới phá sản.
Chìa khóa để vượt qua sự thâm hụt đó, các doanh nghiệp cần:
- Đàm phán mức hạn tín dụng với ngân hàng để công ty có thể vay khi cần.
- Quan hệ tín dụng tốt với nhà cung cấp để khi gặp khó khăn có thể nhận được sự giúp đỡ của họ.
- Thúc giục khách hàng thanh toán nhanh nhất có thể.
- Lựa chọn thanh toán một cách thận trọng. Hãy thanh toán tiền lương cho nhân viên để ổn định tinh thần của họ. Tiếp đến hãy thanh toán cho những nhà cung cấp thiết yếu. Hỏi các nhà cung cấp xem có thể nới rộng thời gian thanh toán hoặc thanh toán một phần được không.
Bài viết trên là 4 bước phải thực hiện khi đưa ra biện pháp quản trị dòng tiền. Hãy quản trị dòng tiền một cách chủ động, hiệu quả để mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty của bạn.